Friday, December 6, 2013

Lính già Nguyễn Phán – Vẫn còn những Người tử tế từ trong ra ngoài.


  


       Để tưởng nhớ cố Tr/tá Hà văn Lầu,TĐT/TĐ79/BĐQ; cố Th/Tá Đinh thành Sinh TĐP/TĐ79/BĐQ; bạn tôi: cố Đ/U Đinh bá Tẩm ĐĐT/ĐĐ1/TĐ79 BĐQ, và những Mũ Nâu đã anh dũng hy sinh vì màu cờ sắc áo trong trận chiến Thường Đức 1974.
       * Như một lời cảm ơn chị Hạnh Nhơn, chị Thoa, chị Thủy, chị Tú Quỳnh, cô Thanh Hà… và các A/C thiện nguyện viên trong Hội H.O.Cứu Trợ TPB QP VNCH.
…Từ TRONG là từ trong Nước.
Sở dĩ, tôi viết như vậy, vì trong một lần tham dự tiệc họp mặt thân hữu gần đây, tôi đã nghe một vị tuyên bố như ri (có lẽ đã có chút men cay): “Giờ nầy “moi” không tin còn có những con người tử tế ở trong Nước sau hơn 30 năm sống với bọn Cộng Sản. Còn ở hải ngoại thì khỏi nói. “Chỉ biết chạy theo tiền, nhiều người quên hẳn cái lý lịch “tỵ nạn chính trị” của mình, đúng ra phải dùng chữ “tỵ nạn kinh tế” như các bạn Mễ thì đúng hơn. Tệ hơn nữa, khi đã no đủ rồi thì đâm ra chống phá nhau. “Moi” chán thật!…”. Tôi không quá “bi quan”, hay lòng đầy “ngờ vực” như thế. Cho dù từ ngày cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, xã hội đã thực sự băng hoại. Luân lý, đạo đức đã “xuống cấp” trầm trọng! Tuy nhiên, không phải mọi người đều “cá mè một lứa” trong cái chế độ cực kỳ thối nát đó. Ít ra tôi tin rằng cha mẹ tôi, anh em tôi, chiến hữu của tôi, và hàng triệu, hàng triệu người nữa nơi quê nhà vẫn còn đó tấm lòng chân thật, cho dù họ sống trong nhà tù lớn Việt cộng hơn ba thập niên qua với nhiều nỗi khốn cùng, đau thương, thiếu vắng hơi thở của tự do!
Cho dù, có nhiều người phải ở trong cái đa số “Người Việt trầm lặng”, nhưng tôi tin rằng lòng họ luôn mong chờ ngày hoa tự do lại nở trên đường Quê Hương. Cũng như họ, chúng ta sống nơi quê người vẫn mơ một ngày “dép râu đội nón cối ra đi vĩnh viễn” trên quê nhà để Giấc Mơ Hồi Hương của đàn con Việt tha hương trở thành hiện thực. Còn ở hải ngoại, bên cạnh một đám người như lời ông ta nhận xét (mà tôi tin chỉ là một thiểu số không đáng kể), còn có biết bao nhiêu tấm lòng chân thật, tốt lành. Biết bao nhiêu lần, đồng hương giúp đồng hương khi biết tin (qua báo, đài, groups,..) về một đồng hương, một chiến hữu nào đó đang lâm hoạn nạn, đang gặp cảnh đời không may.
Trong giới hạn của một bài viết, cũng như không phải là nhà nghiên cứu về xã hội, hay nhà xã hội học, do đó tôi không thể dẫn chứng cho hết những con người tử tế trong Nước, hay ở hải ngoại. Tôi chỉ đưa ra một vài con người, một vài hình ảnh mà tôi biết được, hay nghe nói về…
Rõ ràng nhất, tiêu biểu cho những con người tử tế còn ở trong Nước, những con người “đã quên mình vì tha nhân” đó là những ni cô, những “ma soeur” đã và đang tận hiến đời mình cho tình người, cho những kẻ khốn cùng bị chế độ đuổi xô ra bên lề xã hội! Họ làm việc thiện nguyện âm thầm trong các trại cùi, các trung tâm nuôi trẻ em mồ côi, trong các trung tâm huấn nghệ cho những “chị em lầm lỡ”, những trung tâm cai nghiện, những trạm y tế phát thuốc miễn phí, điều trị căn bệnh thời đại (nhiểm vi khuẩn AID)… Người viết nhấn mạnh ở đây, là các trung tâm nầy hoặc là do các tôn giáo lập nên hay từ chính quý ni cô, ma soeur vận động tài chính từ các mạnh thường quân trong ngoài Nước hay từ các Quốc Gia khác mà không hề xin hay nhận đồng tiền nào từ cái “nhà nước xã hội chủ nghĩa” của đám Mafia đỏ thời đại.
Cách đây hơn bốn tháng, chúng tôi nhận được MẪU NHẮN TIN từ Ban Đại Diện Thiếu sinh Quân Miền Trung, Việt Nam (BĐD/TSQ/MT). Mẫu nhắn tin như sau: “Muốn biết thân nhân, bạn bè của cố Đ/U Đinh bá Tẩm ĐĐT ĐĐ1 TĐ79 BĐQ, tử trận tại mặt trân Thường Đức, Quảng Nam vào năm 1974…). Sau khi được posted trên groups của Tổng Hội Cựu Thiếu Sinh Quân/VN/HN. (Nhờ chúng ta đang sống trong một thời đại mà chỉ cần nhấn “con mouse” thì tin tức gởi đi sẽ đươc chuyễn đến khắp nơi trong vài giây). Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, mẫu nhắn tin đó đã đến với chúng tôi, “Cùi” 24/Đà Lạt*. Và cố Đại Uý Đinh bá Tẩm, chính là cựu sinh viên sĩ quan Đinh bá Tẩm, K24/TVBQGVN, cựu ĐĐT ĐĐ1 TĐ79 BĐQ.
Và từ email, phone qua lại giữa chúng tôi và các bạn cùng khóa ở quê nhà cùng quý anh em cựu TSQ/MT/VN mà chúng tôi liên lạc được thân nhân của bạn tôi để xác minh và tiến hành việc bốc mộ, di quan bạn Tẩm về an táng tại nghĩa trang gia đình ở Mỹ Tho. Và nhờ email, phone qua lại mà chúng tôi được biết rõ hơn về những con người tử tế, những CHIẾN HỮU một thời của chúng tôi, những tấm lòng vẫn còn son sắt thủy chung trong thứ tình nghĩa mà người đời vẫn gọi là Huynh Đệ Chi Binh, hay đơn giản hơn là Tình Lính. Sự thật, những cựu TSQ nầy trong lúc đi tìm mộ phần của hai cựu TSQ đàn anh của mình mà khám phá ra mộ của bạn tôi. Câu chuyện như sau, được sự ủy thác của TH Cựu TSQ HN về việc đi tìm những cựu TSQ đã hy sinh trước ngày mất Nước, mà vì hoàn cảnh, đơn vị không lấy được xác, (hay được ghi nhận là mất tích), trong số đó có hai cựu TSQ Hà văn Lầu K19/VBDL, TĐT TĐ 79 BĐQ; và cựu TSQ Đinh thành Sinh, TĐP TĐ79 BĐQ.
Nhờ một số thông tin có được, các anh em cựu TSQ/MT (qua sự giúp đỡ nhiệt tình của những người nông dân hiền hoà ở Thường Đức mà các anh em nầy đã tìm được mộ phần hai đàn anh của mình trong đại gia đình Thiếu sinh Quân. Khi tìm được mộ phần hai đàn anh, các cựu TSQ/MT cũng đã tìm thấy mộ của bạn tôi, Đinh bá Tẩm, cùng chung màu áo hoa rừng, mũ nâu với các đàn anh của họ. Bên cạnh đó, họ còn khám phá thêm một ngôi mộ tập thể của một gia đình địa phưong quân mang tên Thọ. Câu chuyện thương tâm về ngôi mộ nầy tôi sẽ ghi lại trong phần sau, về những con người tử tế ở NGOÀI…
(Xin đọc một trích đoạn của một cựu TSQ/MT (tham gia trong toán đi tìm những Đồng Môn cũ của mình). Qua đó, để thấy những tấm lòng chung thủy trong tình nghĩa Đồng Đội của họ vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào từ một thời binh lửa với súng-đạn-balô-buị mù-nắng giãi.
(Xin trích hai đoạn trong bài ký dài của anh Lê minh T. một trong những AET đã góp công sức đi tìm phần mộ của hai dàn anh AET: Hà văn Lầu, và Đinh thành Sinh.)
(Trích đoạn 1: Đây là trích đoạn trong tiến trình đi tìm mộ…)
Anhđã về với gia đình
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn!(Chinh phụ Ngâm khúc)
       Anh em chúng tôi, mỗi người tuy khác nhau về tuổi tác, khác nhau về niên khóa, về ngày ra trường, nhưng những kỷ niệm thời niên thiếu học trò của mỗi người đều gần giống như nhau, bởi chúng tôi cùng xuất thân cùng một mái trường. Danh từ chung để gọi nhau và nhận nhau thân mật chính là ba chữ AET.        Trong buổi gặp mặt nhân dịp AET Tất về thăm quê hương, anh em chúng tôi nhắc lại những kẻ còn người mất trong cuộc chiến vừa qua. Trong bùi ngùi và xúc cảm đó, người được anh Tất lưu ý đến là AET Hà văn Lầu, người mà anh Thân (đã mất) cho hay rằng đã hy sinh tại chi khu Thường Đức năm 1974 khi căn cứ này thất thủ.
Anh Thân kể lại rằng, năm 19xx, một lần đi qua An Điềm, vô tình anh Thân được những người dân cho biết mộ chí của anh Lầu chôn ở An Điềm và bên cạnh là mộ cô thư ký của chi khu (?). Anh Thân đặt câu hỏi chiến tranh đã tàn, nhưng sao không thấy người thân mang hài cốt của anh Lầu về quê quán để hương khói, phải chăng thân nhân của anh chưa biết điều này? Hoặc giả là thân nhân anh đã không còn ở trong nước? Luôn tiện có anh Tất về, vậy nhờ anh Tất qua phương tiện truyền thông ở hải ngoại để thông báo việc này cho thân nhân được biết ngõ hầu mang anh về với gia đình. Anh Tất ghi nhận điều này và hứa sẽ thực hiện khi ra lại hải ngoại.
Bẵng đi một thời gian khá lâu thì chúng tôi nhận được tin từ anh Tất cho hay, thân nhân của anh Lầu hiện còn ở trong nước, cụ thể là vợ và các con anh ở Sóc Trăng chưa hề hay biết gì về tin này. Từ trước đến nay chị chỉ biết anh hy sinh ở Thường Đức và việc tìm kiếm anh là ngoài sức của chị dù chiến cuộc đã kết thúc vì một nách ba con dại (khi anh Lầu hy sinh, chị mới 25 tuổi). Thông cảm với hoàn cảnh của chị, anh Tất đã đề nghị AET chúng tôi tại Đà Nẵng giúp chị hoàn thành tâm nguyện của mình. Trong tinh thần huynh đệ đồng môn, tất nhiên chúng tôi vui vẻ nhận lời đề nghị đậm tính nhân văn này. Phần mình, anh Tất sẽ vận động các hội đoàn liên quan để cùng hỗ trợ cho việc tìm kiếm (anh Lầu xuất thân từ trường TSQ, tốt nghiệp K19 TVBQGDL, TĐT TĐ79 BĐQ/BP).
Chỉ với một thông tin ban đầu từ anh Thân cung cấp là: anh Lầu hy sinh và được chôn tại An Điềm. Chi tiết đáng quan tâm nhất là mộ bia được làm bằng một tấm tôn, với hàng chữ: Hà văn Lầu thiếu tá “ngụy” được đục bằng đinh. (An Điềm là một địa danh rừng núi quen thuộc với những quân dân cán chính Miền Nam trong các nhà tù cộng sản được gọi là “trại cải tạo”, sau khi miền Nam sụp đổ. Với nguồn tin ít ỏi đó, chúng tôi phải tra cứu thêm…
Ngày 4/5/08, vì lý do sức khỏe AET Hiếu không thể đi, thế là ba anh em chúng tôi xuất phát từ Đà Nẵng lúc 5h.00 sáng. Tuy An Điềm chỉ cách ĐN khoảng 70 km, nhưng chúng tôi phải đi sớm để tránh cái nắng nóng của mùa hè đồng thời kéo dài được thời gian tìm hiểu với người dân quanh vùng. Khoảng 9h.00, chúng tôi vào vùng trách nhiệm. Đang phân vân lo lắng không biết bắt đầu công việc từ đâu, hỏi ai, thái độ chính trị của họ thế nào?, thì một dịp may đến khi AET Tuệ cho một bà cụ quá giang về nhà, và từ đó manh mối bắt đầu hé mở. Từ bà cụ, chúng tôi tìm đến được ông cụ Thêm 74 tuổi, vốn trước đây là nhân viên cơ hữu của chi khu TĐ trong trận TĐ ông bị bắt làm tù binh, sau chiến tranh thì được thả. Ông cụ cũng biết nhiều về anh Lầu đồng thời nhớ mang máng chỗ chôn vì lúc còn khỏe ông thường hay qua lại mỗi khi vào núi đi cây và trông thấy mộ anh cùng tấm bia cũng như đã từng nghỉ chân tại chỗ này. Ông đã mau mắn nhận lời đi chỉ chỗ chôn cất cách nhà khoảng 9km, dù đã cho chúng tôi biết đã từ lâu ông không còn qua lại vị trí này và nghe nói rằng đã được san ủi để di dân lên lập nghiệp.
Và quả thật ông không còn nhớ được vị trí này khi lên đến nơi. Ông cụ tiếp tục đến ông Chu 76 tuổi là bạn tù binh, ông này cũng không rõ chuyện này. Chúng tôi chở ông về lại nhà, và nghỉ trưa tại nhà ông. Cũng tại nhà ông chúng tôi được giới thiệu thêm hai người nữa đó là ông Nhơn vốn là tài xế xe vận tải chuyên vận chuyển tiếp liệu từ hậu cứ của TĐ 79 BĐQ, và ông Nữa là em ông Thêm. Nhưng cả hai đều không biết được thêm chi tiết nào khác. Tuy nhiên, dẫu sao chúng tôi cũng khoanh được vùng cần tìm đến…
      (trích đoạn 2: Niểm vui khi tìm được mộ chí của AET Hà văn Lầu/TĐT/TĐ79BĐQ)
Đã giữa trưa… Thấy rồi! Một tiếng reo vui vang lên từ lòng hố, mọi người đổ xô đến. Dưới lòng hố, một lớp đất màu đen xuất hiện. Người bốc mộ dùng bay nhẹ nhàng dọn đất. AET Tòng và Ca nhảy xuống phụ giúp. Thận trọng bóc lớp đất, từng chút, từng chút một. Trên nền đất dưới lòng hố khai quật, hình tượng thân xác hiện ra, tư thế nằm cong kiểu số 4, đầu hướng tây nam, chân đông bắc. Chị Lầu đứng vội dậy, nước mắt đầm đìa chỉ chực nhảy xuống huyệt mộ. Hài cốt xem ra đã mục rữa như đất, dưới ánh mặt trời chỉ thấy mờ mờ hình dạng nhờ vào màu sắc khác màu đất. Một vài mảnh sọ nhỏ còn nguyên hình, một khớp xương chậu còn định hình nhờ lớp đất bám quanh mỏng manh không dám đụng mạnh, còn hầu như tất cả đã mủn ra. Hậu quả của khí hậu khắc nghiệt của núi rừng đã khiến cho hài cốt vốn dĩ không được chôn cất cẩn thận hầu như bị hủy hoại hoàn toàn. Khéo léo, nhẹ nhàng thu xếp hài cốt anh theo thứ tự hình hài vào thùng carton mang theo. Để tránh bỏ sót , anh em yêu cầu bốc nguyên dạng kể cả đất bao quanh. Khoảng 15h, mọi việc hoàn tất, AET Tòng, AET Ca dùng băng dán kín thùng carton với ký hiệu “hàng dễ vỡ”, san trả lại mặt bằng tại các chỗ đã đào và không quên cám ơn dân chúng địa phương đã hết lòng giúp đỡ trước khi ra về.
       Tối hôm đó, về đến Đà Nẵng, chúng tôi tạm gởi anh vào chùa Thanh Bình cho yên tịnh. Sáng hôm sau 15/7, tất cả AET chúng tôi ra sân ga tiễn vong linh Anh cùng với chị và cháu về lại quê nhà. Ai không đến được thì đều điện thoại đến chúc lên đường bình an. Cuộc chia tay giữa chị và các anh em AET, những người lần đầu gặp mặt nhưng tưởng chừng như thân thiết từ lâu diễn ra thật cảm động và chân tình. Chị và cháu chỉ biết khóc. Những giọt nước mắt thay lời cảm ơn làm ai nấy đều xúc động. Chín giờ tàu chuyển bánh. Nhìn đoàn tàu xa dần khỏi sân ga, lòng người đưa tiễn cảm thấy thanh thản với lương tâm vì đã hoàn thành công việc trong tinh thần: Danh Dự và Trách Nhiệm đối với vong hồn Vị Quốc Vong Thân. Chúng ta còn nhiều vong linh tử sĩ khác trên mọi miền đất nước, họ vẫn còn đang chờ đợi ngày về. Cầu mong họ được may mắn như anh Lầu. 17h45 ngày 16/7 chúng tôi nhận được điện thoại từ Sóc Trăng báo tin rằng Anh, Chị và Cháu đã về đến nhà. Xin chúc mừng gia đình chị: Anh đã về với gia đình.
       (Nhóm AET Đà Nẵng)
        Với những tấm lòng còn son sắt về nghĩa tình Đồng Đội, đậm đà tình Chiến Hữu như thế đó, thử hỏi họ không là những con người tử tế hay sao, cho dù những bạn lính của chúng tôi đã sống dưới ách thống trị và bộ máy kềm kẹp tuyên truyền của cộng sản gần 34 năm qua. Điều đó cho thấy, dù phải cam chiụ sống trong “thiên đường mù cộng sản” mà tình người, tình đồng đội cũ nào có lạt phai. Dẫu rằng, sống trong “thiên đường mù cộng sản”, một số người dân ở Miền Nam (nhất là thế hệ sinh sau 1975, ít nhiều cũng bị nhiễm chất “phóng xạ cộng sản”, nhưng không phải là tất cả, nhất là những ai đã từng ăn gạo “nhà Châu” của hai nền Cộng Hòa, thì lại càng khó bị nhiễm chất “phóng xạ cộng sản” cho được. Ngoại trừ những tên đầu sỏ trong chính trị bộ hay đám cốt cán trung ương đảng bị nhiễm chất phóng xạ nầy thì không thể chữa lành vì “khối u cộng sản” đã biến thành cancer trong bọn họ từ lâu. Nhưng những cán binh “tép riu” thì độ nhiễm “phóng xạ cộng sản” có cơ may được chữa lành, khi thời cơ đến, khi chế độ phi nhân đó bị cuốn trôi ra biển. Dĩ nhiên, bị nhiễm “chất phóng xạ” mang dấu ấn “Mác Lê” nặng mà được chữa lành như Gorbachev thì trăm năm có một. Đó là một phép màu. Một hồng ân mà Liên Xô cũ đã có được. Ngoài ra các chế độ cộng sản “sụm” là do áp lực từ quốc nội và hải ngoại, mà lực trong Nước là bão, còn lực bên ngoài là những cơn gió để giúp cơn bão thổi mạnh hơn, làm sụp nhanh hơn các “nhà nước chuyên chính” tàn độc nầy.
Tôi lang bang một tí như vậy, là để thấy rằng, chính còn có những con người tử tế hiện diện bên trong để cho người dân Việt Nam dù đang sống tại quê nhà hay lưu lạc nơi xứ người còn giử vững niềm tin vào câu nói của Nguyễn Trãi ngày nào: “Đaị nghĩa sẽ thắng hung tàn”, hay một câu nói khác đậm nét tính nhân bản: “văn minh sẽ đồng hóa lạc hậu”. Hãy xem dù Saìgòn thay tên, dân “Bắc Kỳ 75″ ồ ạt vào thế chỗ người dân Sàigòn cũ, mà Sàigòn không thể trở thành Hà Nội như ý đồ mà bọn cộng sản chóp bu hằng mong muốn. Người dân sống trong thủ đô cũ của miền Nam (cho dù có cả Bắc kỳ 75) thì vẫn hãnh diện để nói theo kiểu nói người Nam bộ: “Tôi dân Saìgòn”, “Tôi đẻ ở Sàigòn”, chứ chẳng ai tự hào “Tôi dân Hồ chí Minh(!), tôi đẻ ở Hồ chí Minh (!)”. Những hoạt động mang tính bác ái, nhân đạo, rao giảng tình người, truyền bá niềm tin thiêng liêng (tôn giáo)… cùng những con người tử tế ở trong Nước là nỗi sợ cho cộng đảng Việt, cho dù trong ngắn hạn, nó giúp cái “nhà nước” coi dân như bèo bọt nầy bớt nghe thêm nhiều lời ta thán từ dân nghèo, bớt chi ra một khoản tiền mà chúng dành để chia nhau đem gởi ở những nhà băng bí mật an toàn ở hải ngoại. Nỗi sợ đó được chúng gán ghép cho cái tên “diễn biến hoà bình”. Nói nôm na là cộng sản Việt biết rõ là chúng mạnh về súng đạn, mạnh về bạo lực, nhưng cùng lúc tập đoàn “mafia đỏ” nầy rất lo sợ chế độ của chúng sẽ bị sụp đổ không bằng súng đạn, không bằng bạo lực mà bởi lòng dân và tình người.
Vâng, tôi vẫn tin rằng, dù phải sống trong kềm kẹp của nhà nước độc tài vô nhân cộng sản thì cái tình người vẫn còn có trong đa số con dân Việt ở quê nhà.
…Về những người tử tế ở NGOÀIBà Hạnh Nhơn,2008(thứ tư từ bên trái)
       Ở NGOÀI đây là ở HẢI NGOẠI. Trong nhiều tổ chức thiện nguyện hướng về quê nhà, tôi chỉ muốn đề cập đến hai tổ chức thiện nguyện mà chúng ta không thể phủ nhận mục đích cao đẹp của nó. Đó là Hội Bạn Người Cùi, và Hội H.O. Cứu Trợ TPB/Quả Phụ/VNCH. Cứ nhìn qua trong những lần quyên góp giúp người Cùi (do hội bạn Người Cùi tổ chức) hay rõ nét hơn là sự hưởng ứng càng ngày càng nhiều, vòng tay ân tình càng ngày càng mở lớn dành cho Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ/VNCH, mà thông qua đó, để giúp các TPB & Qủa Phụ VNCH. Còn tại quê nhà thì mới thấy tấm lòng người dân Viêt; nói chung và người dân Miền Nam; nói riêng dành cho các Người Lính Miền Nam vẫn còn sâu đậm đến dường nào! Nồng nàn biết bao cái tình Quân Dân cũ.
Tôi còn nhớ lần gây quỹ để giúp các Người Cùi bất hạnh tại Quê nhà chỉ thu hẹp trong hội trường của nhà thờ Saint Cecilia, giáo xứ Tustin, California. Nghe nói lần đó (?), ban tổ chức có mời một nữ ca sĩ “thời danh” hát “chùa” cho lần tổ chức đầu tiên nầy. Thật buồn khi biết người nữ ca sĩ nầy đã từ chối vì không muốn hát “free” cho cái Hội chưa ai biết tên. Nhưng thật xót xa và có một chút khôi hài đen (để chúng ta suy gẫm về tình đời-tình người) là trong lần tổ chức của Hội Bạn Người Cuì cách đây vài năm (bây giờ Hội đã được đồng hương biềt tên, biết việc và ủng hộ nhiệt tình), thì chính người nữ ca sĩ nầy lại phone đến ban tổ chức xin được hát “không nhận thù lao” (!) trong chương trình gây quỹ của Hội. Người viết cũng nghe nói (?), lời “offer” nầy đã bị ban tổ chức từ chối, chỉ vì ban tổ chức đã có đủ ca sĩ cho chương trình văn nghệ mà toàn là những ca sĩ đã vui vẻ hát “chùa” ngay từ những lần tổ chức đầu. Rõ khổ!
Vấn đề đồng hương, đồng đội đã hưởng ứng, tiếp tay cho Hội H.O/Cứu Trợ TPB&QP VNCH còn đáng được nói đến hơn nữa. Từ những năm đẩu trong thập niện 90, ít ai nghe đến tên của hội nầy. Nhưng theo thời gian, người biết tên hội càng nhiều, người ủng hộ càng ngày càng đông. Đặc biệt qua hai lần Đại Nhạc Hội: CẢM ƠN ANH: NGƯỜI THƯƠNG BINH VNCH. Đại nhạc Hội CẢM ƠN ANH kỳ I đã cho Hội hơn $500,000 để gởi về giúp các Thương Phế Binh, Quả Phụ/VNCH tại quê nhà, và đến Đại Nhạc Hội CẢM ƠN ANH kỳ II, với số tiền đồng hương trên toàn thế giới góp lại đã bội thu so với Kỳ I. Dù vậy, với 15,000 hồ sơ mà Hội đang có danh sách trong tủ hồ sơ và trên bàn làm việc, Hội vẫn luôn luôn cần đến những con người tử tế Việt Nam hiện đang sống trên những miền đất của Năm Châu.
       Vào ngày 17 tháng 5 năm 2009, ĐNH Kỳ 3 sẽ được tổ chức tại San Jose, Bắc California. Lạy trời cho đại nhạc hội lần nầy cũng thành công như hai lần trước ở Nam Cali. Nhân danh một con người Việt Nam lưu lạc, chúng tôi xin cảm ơn những ca nhạc sĩ đã đóng góp công sức trong các chương trình văn nghệ gây quỹ cho Hội Bạn Người Cùi. Nhân danh một người lính già (vì chưa bao giờ nhận được giấy giải ngũ, nên không thể nhận mình là cựu lính già), chúng tôi xin cảm ơn các ca nhạc sĩ đã đóng góp cho hai lần Đại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh và trong ĐNH Kỳ 3 nầy. Xin cảm ơn ca nhạc sĩ Trúc Hồ, ban giám đốc đài SBTN, nhân viên đài SBTN, ca nhạc sĩ Nam Lộc, ca nhạc sĩ Việt Dzũng…: Những con ngươi tử tế. Cảm ơn những ủng hộ viên, những thiện nguyện viên trong hai Hội có tên trên: Những con người tử tế. Đồng hương giúp đỡ cho đồng bào bất hạnh bị phong cùi (để như một xoa dịu nỗi đau tinh thần và cả thể xác của họ). Đồng hương, đồng đội giúp đỡ cho những thương phế binh qủa phụ VNCH (như một tri ân). Hai lớp Người nêu trên đã và đang bị “cái nhà nước vô nhân cộng sản” coi như bèo bọt, rác rưởi, bị xô ra bên lề xã hội kể từ sau tháng tư năm 1975 cho đến tận hôm nay!!! Và chính vì thế, xin đừng nặng lời khi cho rằng những ân nhân, những ân tình dành cho người phong cùi, dành cho thương phế binh qủa phụ VNCH là “tiếp hơi” cho Việt cộng!
>       Đồng hương không chỉ giúp đỡ cho đồng bào, giúp đỡ cho các Chiến Sĩ Cộng Hòa thương binh của mình mà tấm lòng của họ, vòng tay của họ cũng được mở ra với đồng loại, mỗi khi có nơi nào cần đồng hương góp một bàn tay. Như qua các lần quyên góp giúp cho các nạn nhân thiên tai trên phạm vi toàn thế giới như vụ sóng thần Sunami cách đây vài năm ở Indonesia, Sri Lanca (Tích lan), hay cơn bão Katrina, cơn bão lũ ở Texas,… Trong lần lạc quyên nào cũng đều thấy đồng hương ta nhiệt thành hưởng ứng. Đó không là việc làm thật đáng ca ngợi của những người Việt tha hương hay sao? Đó không được coi là những con người tử tế hay sao? Đành rằng, sống trong một xứ sở mà tiền được coi như là “huyết mạch sinh tử”, thế nhưng, đồng hương đâu đã quên đi ,mất hết cái lòng từ tâm vốn có của con người Phương Đông lấy nhân nghĩa làm trọng.
Gần đây nhất, qua email với các Cựu TSQ MT/VN, tôi được biết, được xem hình về ngôi mộ tạm bợ của gia đình anh Thọ chỉ với một tấm bia mộ đơn sơ do các anh Cựu TSQ dựng lên (mà trước đó chỉ có miếng tôn do người dân quê Thường Đức dựng lên, thay bia mộ, như một ghi dấu).
(Các anh em cựu AET Miền Trung dựng hai mộ bia cho cố Đ/U Đinh bá Tẩm và gia đình anh Thọ, sau khi hoàn tất việc bốc mộ hai đàn anh AET của mình.)
Anh Ngữ, người lính của TĐ79 BĐQ (cũng là người dân địa phương của xã An Điềm, Thường Đức), kể lại câu chuyện tự tử tập thể của gia đình anh Thọ…”vào lúc chi khu Thường Đức bị cộng quân đánh chiếm, phần đông quân cán chính của chi khu chạy theo các đơn vị quân đội, trong đó gia đình anh Thọ (Tr/S địa phưong quân) đã đi theo cánh quân của TĐ79 biệt động. Trong một trận đánh “định mệnh” (mà cả TĐT, TĐP, ĐĐT ĐĐ1 cùng nhiều SQ HSQ, binh sĩ của tiểu đoàn đã ngã xuống trong lửa đạn thù), thì cả hai anh chị Thọ cũng bị thương nặng. Có lẻ, biết không thể sống và không muốn con trẻ bơ vơ giữa bãi chiến trường, rơi vào bàn tay máu của cộng nô… mà anh chị Thọ đã chọn giải pháp tự sát tập thể cùng với các con…”
Nghe chuyện kể, lòng tôi tràn ngập niềm xúc cảm. Cho dù chỉ hơn ba năm trận mạc nhưng tôi cũng đã chứng kiến biết bao cái chết bi hùng của bạn bè, đồng đội. Tưởng rằng sau hơn 12 năm trong tù ngục cộng sản và sau bao nhiêu năm “vật lộn” cuộc sống nơi xứ người, lòng mình sẽ hoá đá. Nhưng không. Nghe chuyện kể (qua ghi âm), lòng tôi lại dâng lên một niềm xúc cảm vô bờ, như thể, nghe anh Ngữ đang kể câu chuyện buồn thảm đó về một người anh em ruột thịt của mình!
Lòng tôi càng trăn trở thêm khi biết là mộ phần của gia đình anh Thọ mà tôi đề cập ở trên chỉ còn chơ vơ một mình sau khi mộ của ba Đồng Đội nằm bên cạnh mộ của gia đình anh hơn 34 năm (như những láng giềng thân thiết trong khu gia binh) đã được thân nhân dời về quê cũ. Tôi ngậm ngùi và cùng có tâm nguyện như các anh em Cựu TSQ và các anh em Võ Bị ở Miển Trung; đó là xây ngôi mộ của gia đình anh Thọ cho vững chắc, trong hy vọng để có một ngày…? Biết đâu, môt ngày nào đó thân nhân của anh Thọ sẽ tìm đến đưa gia đình anh về quê cũ mà hương khói. Ừ, biết đâu? Trong lúc chưa vận động với các thân hữu, với những bạn lính cũ của mình để phụ giúp trong công việc bé nhỏ nầy, vì chúng tôi dự trù đến tiết Thanh Minh mới tiến hành việc xây mộ cho gia đình anh Thọ nên chưa tỏ bày. Tuy nhiên, nhân một buổi đến tham dự ngày làm việc của Hội H.O. Cứu Trợ TPB QP VNCH, tôi có kề lại câu chuyện trên cho chị Hạnh Nhơn cùng các chị đang làm việc thiện nguyện cho Hội như chị Tú Quỳnh, chị Thủy (Chưởng môn “nữ phái Thiên Nga” vang bóng một thời), chị Thoa,…. Câu chuyện đang kể, và thật bất ngờ, chị Thoa hỏi tôi: “Xây ngôi mộ tốn hết bao nhiêu?”
Tôi đáp: “Đó cũng chính là câu hỏi mả tôi đã hỏi với các anh em AET/Miền Trung. Các anh cho biết: “sẽ liệu cơm gắp mắm (dân Miền Trung mà). Nếu có $200 thì xây được ngôi mộ. $300 thì tốt. Còn được $400 thì thật tuyệt. $400 đủ để xây ngôi mộ kiên cố, có thể tồn tại với thời gian, chịu đựng được mưa, bão, lũ lụt của Miền Trung”. Tôi cũng cho chị biết, các anh từ thành phố biển Đà Nẵng sẽ lên nơi núi rừng nầy để góp phần mình (không công) trong công việc đậm tình CHIẾN HỮU nầy.
Nghe vậy, chị Thoa đáp: “Tôi sẽ chịu hết”.
Thật bất ngờ. Thật cảm động. Qua đó, chị Hạnh Nhơn cho biết thêm về tấm lòng nhân đức của chị Thoa.
       Chị Hạnh Nhơn tiếp lời: “Ngoài việc đến làm việc thiện nguyện hằng tuần cho Hội (“lãnh lương Mỹ đó nghe”: tiền già). Trong những khi có hồ sơ nào không rõ ràng hay xác minh là không phải thương phế binh/VNCH, mà có thương tật nặng, chị nói tội nghiệp và nhận về để cứu trợ riêng từ số “tiền già” của mình.
       Nói đến Hội H.O. Cứu trợ TPB Quả Phụ VNCH mà không nói đến cô thủ quỹ Thanh Hà, thì người viết cảm thấy thật thiếu sót. Bởi vì, cô chỉ là thế hệ 1.5 (như người Việt tỵ nạn hay ví von), nên không là “lính nữ” của Việt Nam Cộng Hòa, nên chưa kịp có người yêu là lính thì Nước mất. Cô cũng không có thân nhân ruột thịt là Lính Cộng Hòa. Thế nhưng, kể từ ngày cô nhận làm Thủ Quỹ cho hội đến nay đã gần 10 năm, qua bao đời Hội trưởng mà cô vẫn là Thủ quỹ. Làm việc hăng say, thành tâm, chuẩn mực, sổ sách đâu ra đó. Thu, chi, gởi, hồi báo,… Ai cần xem có ngay. Ngoài công việc “full time” ở sở làm, cô cũng gần như làm việc toàn thời gian cho Hội (không lương, mà còn tốn hao tiền túi là khác), nhất là sau các lần đại nhạc hội vừa qua, hay mỗi độ Xuân về, Tết đến…
Những con người như vậy tiêu biểu cho hàng ngàn, hàng ngàn người như thế mà không gọi họ là những con người tử tế thì gọi bằng gì chứ? Tấm lòng vị tha của họ thật mênh mông như biển. Tình người của họ thật nồng ấm, ngát hương thơm…, tình Chiến Hữu của họ đậm đà dường nào…
Đời sẽ vẫn còn mãi nụ cười khi trên nhân gian còn có những con người tử tế với nhau trong tình đồng bào, tình đồng đội và tình đồng loại như thế.
Cuối Xuân 2009.
       Ghi chú: “Cùi”: là chữ dùng riêng để gọi thân mật các SVSQ hay cựu SVSQ xuất thân từ TVBQGVN (có từ thời cựu Đ/T Trần ngọc Huyến, cựu CHT TVBQGVN.)

2 comments:

  1. Xin các chú bác giúp tìm dùm tung tích của cha là Nguyễn Minh Hoàng , quê quán Sài Gòn , Thiếu Úy Biệt kích Dù , mất tích ở trận đánh Tết Mậu Thân 1968 . Rất tiếc gia đình không biết đơn vị và các info cần thiết khác . Gia đình tha thiết mong mỏi và hy vọng cha còn sống vì lý do nào đó như mất trí nhớ nên không liên lạc .
    Vợ là : Nguyễn Thị Dung ,sanh năm 1944, quê quán : Bãi Dâu - Vũng Tàu.
    có 2 đứa con gái , con gái đầu lòng tên : Nguyễn Thị Hoàng Mai , sanh ngày 05-08-1966
    con gái kế tên : Nguyễn Thị Hoàng Lan , sanh ngày 20-10-1967

    Cháu xin chân thành cảm ơn

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete